NIỀM ĐAM MÊ VÀ LÒNG NHIỆT HUYẾT

Thứ sáu - 25/02/2022 11:07
Trên cơ sở các cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp của huyện tham gia các lớp ToT của Dự án rau an toàn tỉnh Bình Định; UBND huyện Vĩnh Thạnh Quyết định thành lập Tổ công tác hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn huyện Vĩnh Thạnh.
Thành viên tổ kỹ thuật cùng chuyên gia của Viện  nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New zealand
Thành viên tổ kỹ thuật cùng chuyên gia của Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New zealand
Tổ công tác hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn của huyện Vĩnh Thạnh có 9 thành viên gồm lãnh đạo, công chức kỹ thuật Phòng Nông nghiệp – PTNT; viên chức kỹ thuật Trung tâm DVNN; lãnh đạo UBND và cán bộ Nông nghiệp địa chính xã Vĩnh Sơn; ông Nguyễn Văn Long Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT được chỉ định làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ: Hàng năm xây dựng kế hoạch sản xuất, dự toán kinh phí chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành; triển khai quán triệt nội dung kế hoạch sản xuất rau an toàn hàng năm, hàng vụ đến tất cả hộ dân tham gia sản xuất, hướng dẫn việc thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quản lý sử dụng tài sản công, quy trình kỹ thuật và các quy chuẩn rau an toàn; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đánh giá kết quả hoạt động khi kết thúc vụ, năm và kết thúc Dự án. Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của những thành viên tổ công tác hướng dẫn sản xuất rau an toàn, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ các thành viên đã xác định đây là trách nhiệm của người cán bộ kỹ thuật vừa là vinh dự được lãnh đạo huyện tin tưởng giao trọng trách chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng rau an toàn theo hướng Viet GAP, tạo ra một nghề mới cho đồng bào dân tộc Ba Na, vùng cao Vĩnh Sơn, góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân; để động viên và khích lệ tinh thần cho các thành viên, ông Nguyễn Văn Long Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tâm sự, động viên anh em khi nhận nhiệm vụ:“chúng ta là những người có tràn đầy năng lượng, có niềm đam mê mạnh mẽ và đầy sự nhiệt huyết với công việc, tin tưởng với lòng đam mê và nhiệt huyết đó sớm sẽ đem lại những kết quả đáng mừng cho con đường đi của tổ chúng ta”; trách nhiệm và nhiệm vụ từng thành viên trong tổ được tổ trưởng phân công cụ thể theo sở trường chuyên môn.

Vạn sự khởi đầu nan khi bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau an toàn theo hướng Viet GAP cho người đồng bào Ba Na, tổ kỹ thuật gặp không ít khó khăn; đặc biệt là phải đầu tư khá nhiều cho việc xây dựng vùng sản xuất rau trên nền đất hoang hóa; xác định phương pháp tưới để lắp đặt hệ thống tưới nước. Song song với việc thực hiện khai hoang, cải tạo đất là tập trung hình thành nhóm “cùng sở thích”; đào tạo cho nông dân trên đồng ruộng; xây dựng quy trình trồng các loại rau ôn đới cho phù hợp với địa phương….
Kiểm tra độ pH đất của thành viên tổ kỹ thuật
Kiểm tra độ pH đất của thành viên tổ kỹ thuật

Dù khó khăn, vất vả nhưng với sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Sơn; sự hỗ trợ của Dự án rau an toàn tỉnh và sự quyết tâm cao của tổ công tác hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn của huyện, vùng sản xuất rau an toàn theo hướng Viet GAP dần được hình thành và đi vào sản xuất với các loại rau ôn đới như: Bắp cải, cải thảo, súp lơ, cà rốt, hành tây, củ dền, củ cải, xà lách, qua một vụ sản xuất đầy lo âu, chờ đợi rồi kết quả  những luống rau xanh mượt đã cho ra những trái bắp cải to tròn, những búp cải thảo trắng mượt được người tiêu dùng chấp nhận và người trồng rau có nguồn thu nhập. Nhờ vậy mà diện tích sản xuất, số hộ tham gia ngày càng tăng theo năm tháng.

Trong suốt quá trình xây dựng mô hình, anh em trong tổ vừa tiếp thu kiến thức từ các chuyên gia của Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New zealand; vừa học hỏi trên sách vở, trên thực tế về làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu dạng nào cho phù hợp; tính toán thời gian ươm giống, trồng, chăm sóc để thời gian thu hoạch phù hợp với sự liên kết tiêu thụ sản phẩm của các Siêu thị, doanh nghiệp…. Với tất cả niềm say mê, nhiệt huyết, tổ hướng dẫn kỹ thuật đã đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại rau, củ, quả ở mỗi mùa vụ khác nhau để so sánh tính thích ứng cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng sản phẩm của người tiêu dùng; trong quá trình hướng dẫn kỹ thuật tổ luôn chú trọng đến việc sản xuất rau theo quy trình Viet GAP, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để rau khi thu hoạch không có dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, hàm lượng nitrat vượt mức quy định, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.
Bao khó khăn, vất vả và vườn rau đẹp
Bao khó khăn, vất vả và vườn rau đẹp
Qua hơn 5 năm triển khai và thực hiện hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn trên địa huyện Vĩnh Thạnh; từ mô hình rau an toàn Vĩnh Sơn nay đã mở rộng xuống các xã đồng bằng với diện tích sản xuất rau an toàn theo hướng Viet GAP hàng năm lên đến hơn 15 ha, có 120 hộ nông dân tham gia ở 5 nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn; có 4 nhóm đã được cấp giấy chứng nhận rau an toàn Viet GAP; đặc biệt các giống rau mới như súp lơ vàng, cải thảo, cải bó xôi được trồng thử nghiệm ở vùng đồng bằng cho năng suất cao và ổn định.
 
Súp lơ vàng có mặt ở chợ Định Bình – Thị trấn Vĩnh Thạnh
Súp lơ vàng có mặt ở chợ Định Bình – Thị trấn Vĩnh Thạnh
Trong thời gian đến, khi Dự án rau an toàn tỉnh Bình Định kết thúc nhưng với niềm đam mê với nghề trồng rau, tin tưởng rằng các thành viên trong Tổ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ Khoa học – Kỷ thuật mới vào sản xuất; giữ vững niềm tin của người nông dân với cán bộ kỹ thuật; đa dạng sản phẩm rau an toàn tỉnh Bình Định với thương hiệu “lá lành”.


 

Nguồn tin: Nguyễn Thái Vinh – Trung tâm DVNN Vĩnh Thạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay129
  • Tháng hiện tại644
  • Tổng lượt truy cập391,406
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây