Giới thiệu chung

                           GIỚI THIỆU DỰ ÁN RAU AN TOÀN BÌNH ĐỊNH

Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định, trong đó có Hợp phần Rau an toàn, do Chính phủ Niu Di-lân tài trợ đã kết thúc vào tháng 5/2015. Để củng cố và nhân rộng những kết quả của Hợp phần Rau an toàn, đồng thời thực hiện Thoả thuận về An toàn thực phẩm và Chương trình làm việc đã ký kết giữa Việt Nam và Niu Di-lân vào tháng 3 năm 2015, Chính phủ Niu Di-lân thông qua Đại sứ quán Niu Di-lân tại Hà Nội đã xây dựng Dự án Rau an toàn tỉnh Bình Định. Nội dung của Dự án tóm tắt như sau:   

         I. MỤC TIÊU VÀ ĐẦU RA CỦA DỰ ÁN
            Mục tiêu của dự án là cải thiện sự an toàn và tính bền vững về kinh tế và môi trường cho người nông dân trồng rau và sự an toàn cho người tiêu dùng ở tỉnh Bình Định như là một mô hình mẫu cho Việt Nam.
         1.Các đầu ra của dự án:
           - Thực hành quản lý dịch hại, an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường và nông dân sản xuất rau được cải thiện.
          - An toàn cho sản phẩm rau tươi đối với người tiêu dùng được cải thiện.
          - Tính bền vững về kinh tế cho người nông dân sản xuất rau thông qua việc tiếp cận thị trường nội địa có giá trị cao hơn cho ‘sản phẩm sạch’ hoặc tiếp cận với các cơ hội thị trường xuất khẩu được cải thiện.
        2. Các mục tiêu và kết quả lâu dài hướng đến:
          - Tới năm thứ 5-6 có 7.400 nông dân trong tỉnh được chứng nhận sản xuất rau an toàn, diện tích740 ha, sản lượng13.000 tấn/năm.
           - Tới năm thứ 7-8 có 17.000 nông dân trong tỉnh được chứng nhận sản xuất rau an toàn, diện tích1740 ha, sản lượng 30.000 tấn/năm.
          - Tới năm thứ 10 có 39.000 nông dân trong tỉnh được chứng nhận sản xuất rau an toàn, diện tích 3.990 ha, sản lượng  69.000 tấn/năm.
 
        II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA DỰ ÁN
          1.Phát triển một hệ thống bền vững, có thể chứng nhận, thực tế và hiệu quả đối với việc sản xuất an toàn và xử lý rau sau thu hoạch nhằm đáp ứng những yêu cầu về chất lượng cao trong khuôn khổ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
          2.Nâng cao năng lực cho khoảng 30 cán bộ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Bình Định, để hỗ trợ:
          2.1Sử dụng thuốc trừ sâu có trách nhiệm và thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để sản xuất rau tuân thủ với các quy định quốc gia về mức dư lượng thuốc BVTV cho phép.
          2.2 Những quy trình về xử lý sau thu hoạch nhằm cung cấp các sản phẩm rau an toàn cho thị trường.
          3.Đầu tư vào hạ tầng chuỗi cung ứng cụ thể và hỗ trợ cho người nông dân để đảm bảo kết quả của dự án.
          4.Tập huấn cho những người tham gia trong chuỗi giá trị về thực hiện sản xuất rau an toàn và hệ thống sau thu hoạch.
          5.Phát triển và thực hiện một chiến lược tiếp thị và thương hiệu để có thể tiếp thị sản phẩm rau an toàn của dự án, làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho những người nông dân và những người tham gia khác trong chuỗi cung ứng.
          6.Cải thiện sự thống nhất trong chuỗi cung ứng hóa chất nông nghiệp thông qua đóng góp của dự án trong việc nâng cao năng lực của UBND Tỉnh, của Sở Nông nghiệp và PTNT nhằm tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức của công chúng về những rủi ro trong sử dụng hóa chất nông nghiệp.

         III. TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ TRIỂN KHAI DỰ ÁN
          1. Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm Niu Di-lân (Viện NCCT&TP) xây dựng năng lực và tài trợ cho Sở Nông nghiệp và PTNT, để Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng năng lực cho người nông dân, các nhà cung cấp hóa chất nông nghiệp, người xử lý sau thu hoạch, người bán buôn/bán lẻ.
          2. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định là cơ quan chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thực hiện dự án; bố trí vốn đối ứng và điều kiện phương tiện làm việc cho dự án.
          3. Để phù hợp với các nguyên tắc về hiệu quả của khoản viện trợ, dự án đã được thiết kế để tối đa hóa tính làm chủ của địa phương và tính bền vững thông qua việc lồng ghép trực tiếp các hoạt động của dự án vào chiến lược và kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT (thay vì làm việc thông qua Ban quản lý dự án như thông lệ).
          4. Những người thực hiện dự án: 10 nhân viên của Viện NCCT&TP, phụ trách bởi Giám đốc chương trình, đóng tại Niu Di-lân; 5-6 nhân sự của Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc chuyên trách cho dự án, được phụ trách bởi Điều phối viên dự án và được phía Việt Nam chi trả lương; 30 cán bộ của tỉnh và huyện bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ khuyến nông, nghiên cứu viên sẽ được Viện NCCT&TP tập huấn nâng cao năng lực, và số cán bộ này sẽ tập huấn lại cho người nông dân và doanh nghiệp.
           5. Đại sứ quán Niu Di-lân tại Hà Nội đóng vai trò then chốt trong việc kết nối dự án.
           6. Một Thỏa thuận quan hệ đối tác được ký kết giữa Bộ Thương mại và Ngoại giao Niu Di-lân (Đại sứ quán của Niu Di-lân tại Hà Nội), Viện NCCT&TP Niu Di-lân và UBND tỉnh Bình Định  đề ra  những trách nhiệm chính của các bên.
           IV. NGÂN SÁCH DỰ ÁN
          1. Vốn ODA từ Chương trình Viện trợ Niu Di-lân:
            Tổng vốn 5.747.378 NZ$ tương đương 3.667.759 USD (trong đó chuyển cho tỉnh Bình Định 1.611.448 NZ$ tương đương 1.028.613 USD)
           2. Vốn đối ứng của tỉnh Bình Định:
             Tổng vốn 432.318 NZ$ tương đương 275.889USD, bằng 7,5% tổng vốn ODA.
         Trong đó:
            + Đối ứng bằng tiền 217.012 NZ$ tương đương 138.489 USD (bằng 3,8% tổng vốn ODA).
            + Đối ứng bằng hiện vật 215.306 NZ$  tương đương 137.400 USD (bằng 3,7% tổng vốn ODA).

           V. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN
             
             Tại 4 huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn và mở rộng ra một số huyện phía bắc của tỉnh.
 
           VI. THỜI GIAN THỰC HIỆN
           Thời gian thực hiện 5 năm: Từ ngày 01 tháng 6 năm 2016 đến ngày 31 tháng 5 năm 2021. 

   




Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay20
  • Tháng hiện tại535
  • Tổng lượt truy cập391,297
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây