Thực hiện quyết định số 387 ngày 7/6/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định về việc phê duyệt nội dung và dự toán xây dựng mô hình sản xuất các giống rau mới năm 2021 thuộc Dự án Rau an toàn tỉnh Bình Định do Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai với quy mô diện tích 500 m2 tại Khu phố Định Bình, Thị trấn Vĩnh Thạnh đã được thực hiện.
Ngày 03/11/2021 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Văn phòng Dự án rau an toàn tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình sản xuất các giống rau mới (súp lơ vàng). Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Văn phòng dự án; lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND Thị trấn Vĩnh Thạnh và 25 hộ nông dân.
Mô hình được triển khai ở nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn theo hướng Viet GAP, Thị trấn Vĩnh Thạnh trên diện tích 500 m2 sử dụng giống súp lơ vàng chanh F1 – Broccoflower chịu nhiệt có xuất xứ Nhật Bản được gieo trồng vào vụ Thu năm 2021 trên chân đất phù sa cát. Qua theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển cây súp lơ vàng ở ruộng mô hình cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển khỏe, độ đồng đều cao, thân mập, ít sâu bệnh, khả năng thích ứng với vùng khí hậu có nền nhiệt độ cao. Đặc biệt, thời gian sinh trưởng phát triển từ trồng đến thu hoạch ngắn, khoản từ 54 - 60 ngày, hoa to, mịn, màu tươi, ăn giòn, vị đậm, trọng lượng khi thu hoạch đạt từ 200 – 600 gam (bình quân 370 gam), cho năng suất thực thu 282 kg/sào (5,64 tấn/ha), với giá bán tại thời điểm thực hiện mô hình từ 27.000 – 35.000 đồng/kg, chi phí sản xuất cho 1 kg sản phẩm bông súp lơ vàng là 13.600 đồng, như vậy người nông dân sản xuất súp lơ vàng có lãi từ 13.400 – 21.400 đồng/kg, tương ứng với lợi nhuận từ mô hình là 3.857.000 đồng/sào, tỷ suất lợi nhuận đạt 102,7%.
Tại Hội thảo bà Ngô Thị Phước phấn khởi chia sẻ “lần đầu tiên trồng cây súp lơ vàng lúc đầu tôi thấy băn khoăn, lo lắng vì đây là giống rau mới được trồng trên vùng đất này, nhưng trong quá trình sản xuất được cán bộ kỹ thuật của tỉnh và huyện chỉ dẫn nên gia đình tôi thực hiện đúng quy trình từ khâu ươm giống đến trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch nên kết quả không phụ lòng người trồng rau, đã cho ra những búp hoa mịn màng, vàng óng được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán lại cao, không đủ cung cấp cho chợ truyền thống tại huyện”. Nói về hướng sản xuất trong thời gian đến bà Phước cho biết thêm: “không biết súp lơ vàng này có phù hợp với vụ Đông – Xuân không, nhưng để có rau bán, vụ này tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng 1.000 m2 súp lơ vàng, hiện nay đã xuống giống xong”. Để có nhiều chủng loại rau mới bán trong dịp tết Nhâm Dần, ngoài giống súp lơ các thành viên trong nhóm còn trồng thử các loại rau mới như: Cải bó xôi, bắp cải và cải thảo Nhật F1.
Những thành công của mô hình đã có tác dụng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới tiên tiến vào sản xuất cây rau, nâng cao nhận thức của người nông dân để tự chủ động, tiếp thu và thực hiện đầy đủ, đúng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng Viet GAP, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng cường đầu tư, thâm canh, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Đa dạng các sản phẩm rau an toàn, nhãn hiệu “Lá Lành” của tỉnh Bình Định trên thị trường trong nước cũng như góp phần thực hiện thành công chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ VIII về “tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025”./.
Nguồn tin: Nguyễn Thái Vinh - Trung tâm DVNN Vĩnh Thạnh