Nằm dọc bên Sông Kôn và khép mình trong lạch suối nhỏ có tên gọi là “Suối Xem”, hàng năm cứ vào mùa Đông những dòng nước từ thượng nguồn hối hả đổ về xuôi, vùng đất này lại được dòng nước ghé thăm bao phủ một màu trắng đục của mùa nước lũ, khi rút đi đã để lại vô vàng phù sa và khoáng chất cần thiết giúp cây trồng đủ chất vươn lên cùng nắng và gió.
Với diện tích hơn 15 ha đất phù sa ven sông được UBND Thị trấn Vĩnh Thạnh quy hoạch trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, ngô, các loại đậu đỗ, dưa hấu, ớt… đặc biệt giành riêng 5 ha giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh - Dịch vụ tổng hợp Định Bình (HTX Định Bình) quản lý, quy hoạch để phối hợp các ngành của tỉnh, huyện thực hiện chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân và trồng rau an toàn theo hướng Viet GAP.
Trong những năm qua vùng đất này đã chuyển mình theo năm tháng, người nông dân đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất trồng trọt, những quy trình tiên tiến như: Tưới nước bằng hệ thống tưới phun mưa bán tự động, tưới nhỏ giọt, sử dụng màng phủ nông nghiệp, xác định thời gian tưới bằng phương pháp cảm quan; đồng thời đã đưa vào trồng các loại cây trồng có tính chủ lực và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nên trên đồng ruộng mùa nào, cây nấy luôn tốt tươi.
Ông Nguyễn Tấn Chiến một nông dân gắn bó với vùng đất này cho biết: “Năm 2019, qua đấu giá đất dự phòng của Thị trấn Vĩnh Thạnh, gia đình tôi nhận được hơn 1, 5 ha, thời gian sử dụng 5 năm; có đất sản xuất tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun mưa bán tự động, thay đổi phương thức sản xuất, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên đất không phụ lòng người trồng cây đã cho tôi những vụ mùa bội thu, giúp gia đình có cuộc sống ổn định và tích lũy”.
Để biết thêm những kết quả về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đa dạng hóa giống cây trồng ở vùng đất này bà Hồ Thị Châu, Phó Giám đốc HTX Định Bình cung cấp: Để thay đổi tập quán sản xuất và nông dân tin tưởng làm theo; những năm qua HTX Định Bình đã phối hợp với ngành nông nghiệp của huyện triển khai nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả kinh tế và có tính nhân rộng cao trong cộng đồng; từ 500 m2 làm mô hình trồng súp lơ vàng của ông Nguyễn Xuân Quang đến nay đã nhân rộng ra nhiều hộ khác và được xác định là cây trồng đem lại hiệu quả cao nhất.
Bên ruộng súp lơ vàng đang mùa thu hoạch, bà Mai Thị Nữ phấn khởi tâm sự: “Năm 2020 tôi tham gia vào Nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn và qua học lớp FFS đã cho tôi nhiều kiến thức mới về trồng rau theo hướng Viet GAP; đây là vụ thứ 2 tôi trồng súp lơ vàng, thấy cây súp lơ dễ trồng, thời gian trồng đến thu hoạch ngắn nhưng năng suất cao, giá bán ổn định; tiêu thụ ở chợ truyền thống mạnh”; so sánh hiệu quả kinh tế về trồng súp lơ vàng với các loại cây trồng khác, bà Nữ cho biết thêm: “với 1 sào trồng súp lơ vàng, sau khi trừ chi phí đầu tư tôi thu về hơn 15 triệu đồng/1 sào; đây là cây trồng cho thu nhập cao nhất mà từ trước đến nay tôi đã trồng”.
Không chỉ tiếp thu kiến thức mới từ ngành chuyên môn mà các thành viên nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn Định Bình còn lên mạng Internet để tìm hiểu sâu hơn về quy trình kỹ thuật; giống rau mới; thị trường tiêu thụ để bổ sung kiến thức. Nhóm trưởng nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn tâm sự: “Bây giờ làm nông nghiệp có ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nên nghề trồng trọt nói chung và người trồng rau nói riêng không khổ như lúc trước mà vừa nhàn vừa cho năng suất cao; chỉ 1 thao tác nhỏ trên chiếc máy điện thoại thông minh tôi có thể tra cứu toàn bộ sâu bệnh trên rau qua phần mềm Fresh Learn do Viện Cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR) xây dựng và chuyển giao, để kịp thời ra quyết định phù hợp cho việc phòng trừ sâu bệnh hại”.
Theo Phòng Nông nghiệp – PTNT, cơ quan thường trực nông thôn mới của huyện cho biết: Để phát triển vùng trồng rau an toàn theo hướng Viet GAP của Thị trấn Vĩnh Thạnh theo hướng bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường, UBND thị trấn Vĩnh Thạnh đăng ký đưa sản phẩm rau an toàn của thị trấn tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm “OCOP” (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2022. Đây thật sự là tín hiệu vui cho người trồng rau vùng “ĐẤT NGỌT” an tâm phát triển sản xuất.