HỘI THẢO MÔ HÌNH NHÂN RỘNG SỬ DỤNG BÃ PROTEIN PHÒNG TRỪ RUỒI ĐỤC TRÁI KHỔ QUA
Thứ hai - 02/11/2020 10:29
Ngày 29 tháng 10 năm 2020 tại huyện Vĩnh Thạnh, Văn phòng Dự án rau an toàn tỉnh phối hợp với Trung tâm DVNN huyện tổ chức hội thảo mô hình nhân rộng sử dụng bã Protein phòng trừ ruồi đục trái khổ qua. Tham dự buổi Hội thảo có lãnh đạo Văn phòng dự án; đại biểu các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp – PTNT; phòng Nông nghiệp – PTNT huyện; các ban ngành; Hội đoàn thể của huyện và Thị trấn Vĩnh Thạnh cùng 30 thành viên nhóm “cùng sở thích” trồng RAT trên địa bàn huyện.
Mô hình được triển khai tại vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn theo hướng Viet GAP của nhóm “cùng sở thích” trồng RAT Hợp tác xã Định Bình trên diện tích 500 m2. Hộ tham gia mô hình và các thành viên nhóm “cùng sở thích” trồng RAT được tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khổ qua theo quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP và quy trình phòng trừ ruồi đục trái bằng bã Protein.
Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ mồi dẫn dụ ruồi đục trái EntoPro 150DD của Viện Bảo vệ thực vật; phụ gia thực phẩm Guar gum có tác dụng làm dày, tạo độ đặc (gel) và chất gây độc dạ dày côn trùng thuốc sinh học Radiant 60SC để hỗn hợp tạo thành bã Protein, phun định kỳ 7 ngày/lần từ khi cây ra hoa đậu trái.
Tại buổi Hội thảo Ông Nguyễn Xuân Quang người thực hiện mô hình cho biết “qua sử dụng bã Protein phun lên cây khổ qua từ khi bắt đầu ra trái non đến khi thu hoạch, cho thấy trái khổ qua bị ruồi vàng gây hại không đáng kể, còn ở ruộng không phun bã Protein ruồi vàng gây hại từ 5 - 7%”. Về sự an toàn cho sản phẩm khi thu hoạch Ông cho biết thêm “ưu điểm của biện pháp phòng trừ này là chỉ phun lên lá từng cụm nhỏ, không phun lên trái còn chất gây độc là thuốc sinh học có thời gian cách ly ngắn nên không sợ ảnh hưởng đến độ an toàn của sản phẩm khi thu hoạch bán cho người tiêu dùng”.
Kết quả thực hiện mô hình nhân rộng sử dụng bã Protein phòng trừ ruồi đục trái trên cây khổ qua tại huyện Vĩnh Thạnh đã làm tăng lợi nhuận cho người trồng khổ qua hơn 1 triệu đồng/sào và nâng cao nhận thức cho người nông dân về phương pháp phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và góp phần hoàn thiện về tiêu chí “môi trường” trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Nguồn tin: Nguyễn Thái Vinh - Trung tâm DVNN Vĩnh Thạnh